Ngày 24/2, Trường Đại học Đông Á cùng với Trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh tế quốc tế (IEDRC, trụ sở tại Hồng Kông) đồng tổ chức chuỗi hội thảo khoa học quốc tế gồm: “Kinh doanh điện tử và ứng dụng” lần thứ 1, năm 2018 (gọi tắt là ICEBA 2018) và “Kinh tế học quản trị và Quản trị Marketing” lần thứ 7, năm 2018 (gọi tắt là CEBMM 2018).
Hai hội thảo được chia thành 7 phiên làm việc song song gồm 4 phiên báo cáo chung và 3 phiên báo cáo chuyên đề. 35 tham luận được trình bày bởi 81 chuyên gia quốc tế đến từ 10 quốc gia gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Anh, Hoa Kỳ, CHLB Đức, Canada và nhiều nhà nghiên cứu của các viện, trường đại học, các khoa chuyên ngành về Kinh tế ở Việt Nam.
Không chỉ đưa ra những góc nhìn đa chiều về vấn đề nền tảng kinh doanh điện tử với công nghệ IoT, mạng lưới hàng hóa và dịch vụ mạng,... mà các chuyên gia kinh tế hàng đầu còn phân tích tổng quan và chi tiết về trí tuệ doanh nghiệp, thiết lập giá trị và chiến lược kinh doanh, thách thức và đặc biệt là giải pháp cho kinh doanh điện tử và quản trị marketing hiện đại với những yêu cầu riêng biệt trong thời đại công nghệ số và CMCN 4.0. Đây là những luận điểm mang ý nghĩa nhất định về thực nghiệm và lý thuyết trong phạm vi rộng của E-Business (kinh doanh điện tử) - một lĩnh vực mà tầm quan trọng của nó đang ngày càng gia tăng thông qua mức độ quan tâm ngày càng cao của cộng đồng nghiên cứu CNTT.
Báo cáo “Cấu trúc chiến thuật kinh doanh của chiến lược tập trung khác biệt hoá và mô hình thực tiễn của các tập đoàn thành công tại Nhật Bản” của GS. Fujino Akihiko - Đại học Quốc tế Thái Bình Dương, Nhật Bản chỉ ra rằng, trong khi cấu trúc "Porter's Generic Competitive Strategies” thường được tham khảo trong quá trình thảo luận chiến lược kinh doanh của các tập đoàn thì với các công ty có quy mô nhỏ và vừa ở nhiều nền công nghiệp, chí ít là ở Nhật Bản, họ phải chọn chiến lược "Tập trung khác biệt hoá" do phải đối mặt với sự canh tranh ở quy mô nhỏ và đối đầu với đối thủ ít có sự cạnh tranh về giá cả. Việc thực hiện chiến lược "Tập trung khác biệt hoá" có quan hệ tích cực với quản lý tổ chức cho nhân viên, thúc đẩy tính khác biệt và tính liên tục. Ở một số các tập đoàn, tích hợp theo chiều dọc trong dòng lưu thông chuỗi cung ứng là yếu tố then chốt của việc thi hành chiến lược liên tục.
“Đây cũng là mô hình phù hợp với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phát triển mạnh mẽ và đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế tại Việt Nam hiện nay”, GS. Fujino Akihiko nhận định.
Nghiên cứu “Ứng dụng E-Business trong kỷ nguyên Big Data và IoT: Cơ hội và thách thức” là một phân tích sâu đến từ GS. Yanqing Duan - Đại học Bedfordshire, Vương quốc Anh về lĩnh vực kinh doanh điện tử. Theo GS. Duan, ứng dụng E-business đã thu hút đáng kể sự quan tâm nghiên cứu trong 2 thập kỷ vừa qua. Sự xuất hiện của Big Data, IoT (Internet of Things), và Phân tích kinh doanh (Business Analytics) đã tạo ra nhiều cơ hội chưa từng có cũng như đặt ra nhiều thách thức.
Không chỉ làm rõ sự phát triển hiện tại của các mô hình kinh doanh theo dữ liệu và sự đổi mới, bàn về các thách thức đặt ra khi kiến tạo giá trị kinh doanh từ Big Data và IoT, bài báo cáo còn chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu, các cơ hội nghiên cứu được mở ra cho việc phát triển nghiên cứu ứng dụng E-business từ cả khía cạnh lý thuyết lẫn thực tiễn.
Đồng quan điểm về những kỳ vọng thay đổi trong hoạt động kinh doanh với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, IoT, BigData và Blockchain, GS. JungJoo Jahng đến từ Đại học Quốc Gia Seoul, Hàn Quốc nhấn mạnh đến việc “Thay đổi mô hình kinh doanh trong thời đại công nghệ 4.0”.
Theo đó, hệ thống nguyên tắc kinh doanh truyền thống đang vận hành ở các ngành nghề kinh doanh sẽ không còn phát huy hiệu quả theo cách mà chúng ta mong muốn và không thể giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu của họ khi mà kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng khắp và dẫn dắt viễn cảnh kinh doanh mới như hiện nay.
Mật mã trực quan – một khái niệm được phát triển dựa trên nhu cầu chia sẻ thông tin và những ứng dụng của chúng trong quản trị kinh doanh hiện đại cũng được chia sẻ trong bài trình bày “Mật mã trực quan và ứng dụng trong kinh doanh” của GS. Young-Chang Houu - Đại học Tamkang, Đài Loan.
Theo nghiên cứu này, một bí mật được chia tách thành "n" bức ảnh tối (phần chia) và mỗi một thành viên chỉ nhận được 1 phần chia. Khi bất kì số "k" hay nhiều phần chia bị chồng chất lên nhau, hình ảnh bí mật sẽ được thu về một cách trực quan mà không cần sự trợ giúp của máy tính. Hình ảnh bí mật sẽ vô hình nếu số lượng các phần chia được chồng lên ít hơn con số "k".
Nghiên cứu giúp mở rộng khả năng của mật mã trực quan khi xử lí hình ảnh xám và hình ảnh màu. Đồng thời, ngoài việc ẩn thông tin, các ứng dụng mật mã trực quan còn mở rộng đến bảo mật dấu thư, đánh dấu bản quyền kỹ thuật số, bảo vệ tài sản trí tuệ và gợi mở về tính cấp tiến thông tin, v.v...
Bàn về “Tính từ thiện trong doanh nghiệp có giúp ích cho hiệu quả kinh doanh?”, báo cáo của GS. Cheol Park – trường ĐH quốc gia Hàn Quốc chỉ ra rằng, tính từ thiện trong doanh nghiệp dẫn đường cho các hoạt động đóng góp xã hội của các công ty. Thông qua cuộc khảo sát đối với 1.098 nhân viên tại Hàn Quốc, nghiên cứu cho thấy mức độ tác động tích cực của tính từ thiện trong doanh nghiệp đối với công ty, ví dụ như hình ảnh của công ty, mức độ hài lòng của nhân viên, hiệu quả doanh số cao, v.v...
Nghiên cứu này cũng kiểm tra tính từ thiện trong doanh nghiệp ở các yếu tố: loại hình kinh doanh, quy mô và tuổi thọ công ty cũng như xu hướng nhân viên và khách hàng đối với tính từ thiện trong doanh nghiệp ở Hàn Quốc. Công ty kinh doanh lâu đời và quy mô lớn hơn thể hiện mức điểm lớn hơn ở tính từ thiện trong doanh nghiệp. Các công ty nỗ lực đóng góp cho xã hội được xem như những “công dân doanh nghiệp” gương mẫu.
Tại hội thảo quốc tế “Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Châu Á” 2017 cũng tại Đại học Đông Á, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã nêu ra những nhận định tích cực về xu hướng dòng vốn FDI trên thị trường, giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả mà trong đó, Việt Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới nhờ có yếu tố tích cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như những cải thiện đổi mới và phát triển của môi trường kinh doanh, đặc biệt là thúc đẩy hội nhập và mậu dịch từ việc ứng dụng những thành tựu công nghệ từ cuộc CMCN 4.0.
Đồng thời, các chuyên gia cũng chỉ ra tiềm năng của thị trường Đông Á và Đông Nam Á, trong đó không chỉ bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn bao gồm Đài Loan và Việt Nam về truyền thông di động, công nghệ dịch vụ và các ứng dụng được các nước sử dụng (viết tắt là I&CT).
Hội thảo là diễn đàn học thuật được tổ chức luân phiên tại các đơn vị thành viên hằng năm nhằm chia sẻ thành quả nghiên cứu và những ý tưởng mới, quan điểm và trải nghiệm, kể cả thách thức và giải pháp ứng dụng quản trị hiện đại trong E-Business and Applications (Kinh doanh điện tử và những ứng dụng) và những lĩnh vực liên quan.
Được biết, Hội thảo quốc tế về “Kinh doanh điện tử và ứng dụng” lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại trường ĐH quốc gia Đài Bắc, Đài Loan từ ngày 16-18 tháng 5, 2018.
Cũng trong tháng 2/2018, Trường Đại học Đông Á cùng với Hiệp hội cơ sở dữ liệu Hàn Quốc (KDBS) và Hiệp hội “Công nghệ thông tin và quản lý quốc tế” (IITAMS) tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 19 về “Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý” (gọi tắt là ITAM).
Trong chương trình Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết và công bố gói tài trợ phần mềm trị giá 1 triệu USD được chuyển giao từ Cơ quan cơ sở dữ liệu Hàn Quốc (K-DATA) trực thuộc Chính phủ Hàn Quốc cho trường Đại học Đông Á. Hoạt động này nhằm phát triển quan hệ song phương trong ngành công nghiệp dữ liệu hai nước cũng như thúc đẩy hệ thống dữ liệu trong giáo dục nói riêng.