NHÂN VIÊN NGHỈ VIỆC CÙNG LÚC: QUẢN LÝ NHÀ HÀNG XỬ LÝ THẾ NÀO?

1- 2 nhân viên nghỉ việc có thể là chuyện ngẫu nhiên, nhưng nếu 3 - 4 người hay cả bộ phận xin nghỉ cùng lúc, sẽ trở thành vấn đề đáng báo động. Là quản lý nhà hàng, trong tình huống này, bạn cần xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

 

Nhân viên nghỉ việc cùng lúc: Quản lý nhà hàng xử lý thế nào?

Nhân viên nghỉ việc cùng lúc: Quản lý nhà hàng xử lý thế nào?

Những lý do khiến·nhân viên nhà hàng nghỉ việc

Có nhiều nguyên nhân khiến nhân viên ngành nhà hàng xin nghỉ việc. Sau đây, là một vài lý do thường gặp nhất gây ra tình trạng này:

- Cách quản lý của cấp trên chưa hiệu quả

Một số quản lý lãnh đạo sai cách, đề cao chủ nghĩa cá nhân, quá khó tính, khắt khe hay chỉ quan tâm đến hiệu suất công việc,... Điều này sẽ gây ra tình trạng nhân viên thi nhau nghỉ việc cùng lúc.

- Công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, không có cơ hội thăng tiến

Nếu phải làm việc ở một môi trường công việc theo quy cũ, không có cơ hội phát triển năng lực cao hơn, nhân viên sẽ dễ dàng xin nghỉ việc và tìm cơ hội khác.

- Nghỉ theo đồng nghiệp khác

Trong môi trường nhà hàng, luôn có nhóm nhân viên chơi thân với nhau. Họ thường tâm sự về công việc, cuộc sống,... Thậm chí, ngay cả chuyện nghỉ việc. Do đó, khi một người ra đi, những người còn lại sẽ cảm thấy mất động lực và cũng “nối gót theo sau”.

- Văn hóa nhà hàng không tốt

Đây là yếu tố quyết định nhân viên có gắn bó lâu dài với tổ chức hay không. Nếu nhà hàng không có chế độ đãi ngộ nhân viên tốt, không lương thưởng hợp lý,... thì sao họ không lũ lượt rời đi?

- Mâu thuẫn với đồng nghiệp

Có thể nói, mối quan hệ với đồng nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nhân viên tiếp tục làm việc ở nhà hàng hay không? Nếu thường xuyên gây gổ, tranh chấp, làm sao bạn có thể làm việc hiệu quả và tạo ra chất lượng tốt cho dịch vụ? Hầu như phần lớn người ta lựa chọn rời đi để tìm môi trường mới phù hợp hơn, thay vì cố gắng chịu đựng sự khó chịu, ấm ức trong lòng.

- Không được trọng dụng

Khi nhân viên không có cơ hội áp dụng các kỹ năng, kinh nghiệm bản thân vào công việc, họ sẽ trở nên thiếu tự tin, chán nản. Bất kỳ ai cũng muốn phát triển và nâng cao trình độ của bản thân cao hơn nên họ sẽ sớm rời đi nếu thấy mình không được trọng dụng.

- Lý do bất khả kháng

như đau ốm, chuyển nhà, kết hôn, sinh con,...

Quản lý nhà hàng xử lý thế nào khi nhân viên nghỉ việc hàng loạt

Nhân viên nhà hàng nghỉ việc hàng loạt gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến tổ chức. Không những hoạt động kinh doanh bị trì trệ, ảnh hưởng xấu mà chủ nhà hàng phải tốn thêm thời gian tuyển nhân sự mới để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, sự ra đi đồng loạt của nhiều người khiến quản lý phải dành thời gian để đào tạo lại người mới và xử lý nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến công việc của phòng ban khác.

Trước tình trạng nhân viên xin nghỉ hàng loạt, quản lý nhà hàng cần có biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời và phù hợp. Hoteljob.vn gợi ý một số giải pháp bạn có thể áp dụng:

+) Xác định nguyên nhân

Ngay khi thấy tình trạng tất cả các nhân viên đồng loạt nghỉ, bạn cần dành thời gian xác định nguyên nhân của vấn đề này. Không phải bạn cảm thấy hài lòng với công việc thì người khác cũng vậy. Dành thời gian để xem xét lại nhà hàng của bạn đang có vấn đề gì khiến nhân viên nảy sinh tư tưởng nghỉ việc là việc bạn cần làm.

Hãy sắp xếp thời gian trò chuyện với các nhân viên để biết được những vấn đề, khó khăn họ đang gặp phải. Chẳng hạn như công việc nhàm chán, mâu thuẫn với đồng nghiệp, chính sách đãi ngộ không đủ,... Thay vì đứng ở quyền hạn cấp trên để giải quyết vấn đề, bạn nên học cách đồng cảm và thấu hiểu quan điểm của nhân viên từ góc độ của họ. Kết nối, giao tiếp gần gũi với đồng nghiệp là cách giúp họ cởi mở nói ra vấn đề bản thân.

Nhân viên nghỉ việc cùng lúc: Quản lý nhà hàng xử lý thế nào?
Quản lý nhà hàng trò chuyện với nhân viên để tìm hiểu nguyên nhân họ xin nghỉ việc.

+) Xử lý vấn đề theo từng trường hợp cụ thể

Tùy thuộc vào từng trường hợp nhân viên xin nghỉ, nhà quản lý đưa ra hướng giải quyết phù hợp:

  • Nếu nhân viên xin nghỉ vì mức lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tốt,... bạn nên xem xét và thỏa thuận lại với nhân sự. Chính sách lương thưởng cần hợp lý, tương xứng với năng lực của nhân viên, ít nhất phải ngang với mặt bằng chung. Nếu nhận thấy ý kiến đề xuất của nhân viên hợp lý, bạn có thể áp dụng nhằm giữ chân nhân tài. Ngược lại, bạn nên cám ơn sự đóng góp của nhân viên và để họ rời đi.
  • Trường hợp nhân viên nghỉ do công việc nhàm chán, không có cơ hội thăng tiến: Bạn nên đưa ra các gợi ý công việc hoặc yêu cầu nhân viên tự đề xuất ý kiến, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ nhà hàng. Song song với đó, quản lý nhà hàng cần có lộ trình thăng tiến theo từng vị trí công việc khác nhau, nhằm giúp nhân viên hình dung được quá trình phát triển của họ nếu gắn bó lâu dài với tổ chức.
  • Nhân viên nghỉ việc do mâu thuẫn với đồng nghiệp, quản lý nhà hàng cần đưa ra hướng giải quyết bằng cách tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn, hòa giải cho các bên để tạo dựng môi trường làm việc văn minh. Đồng thời, bạn có thể xây dựng các nguyên tắc làm việc như: Không tranh cãi, gây gổ, xích mích tại nơi làm việc, giao tiếp nhẹ nhàng, lịch sự,... Ngoài ra, quản lý nhà hàng cần tổ chức hoạt động để gắn kết nhân viên với nhau như: Team building, du lịch, ngoại khóa, chơi trò chơi,...
Nhân viên nghỉ việc cùng lúc: Quản lý nhà hàng xử lý thế nào?

Quản lý nhà hàng cần tổ chức hoạt động vui chơi, team building để gắn kết các thành viên với nhau.

  • Với trường hợp nhân viên nghỉ do không được trọng dụng: Bạn nên tìm hiểu kỹ càng năng lực của từng nhân viên trong quá trình làm việc. Từ đó, giao công việc phù hợp, phát huy tối đa kỹ năng, trình độ của nhân sự, nhằm gia tăng hiệu suất công việc. Ngoài ra, bạn cũng nên xây dựng kế hoạch tuyển dụng chi tiết, cụ thể hơn cho từng vị trí nếu trường hợp nhân sự rời đi.
  • Với lý do nhân viên muốn tìm cơ hội làm việc mới, bạn không nên cố gắng giữ lại.

Trên đây là những cách xử lý của quản lý nhà hàng khi nhiều nhân viên nghỉ việc cùng lúc. Hy vọng rằng với thông tin trên đây, bạn có thể đưa ra hướng giải quyết phù hợp, tránh tình trạng này dẫn đến công việc trì trệ, chất lượng dịch vụ giảm sút.

Phương Thảo

Nguồn: hoteljob