Ngày 9-6, tại Đại học Đông Á, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Du lịch tại Đà Nẵng đã tham gia ký kết tuyển dụng nhân lực và hợp tác đào tạo thực hành Du lịch tại ĐH Đông Á, nâng tổng số doanh nghiệp liên kết hợp tác trong nước lên con số 52 đơn vị với 1.230 vị trí tuyển dụng.
Với sự hợp tác này, sinh viên Du lịch ĐH Đông Á được đảm bảo 100% cơ hội thực hành nghề nghiệp 3 học kỳ tại các resort uy tín 4-5 sao trong toàn khóa học, đặc biệt được phía doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng ngay khi kết thúc kỳ thực tập nghề nghiệp và sau khi tốt nghiệp mà không phải đào tạo lại.
Phát biểu tại chương trình, ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết: nguồn cung ứng nhân lực Du lịch hiện nay từ các cơ sở đào tạo vẫn còn hạn chế. Số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm chỉ đáp ứng 1/6 nhu cầu về nguồn nhân lực.
7 doanh nghiệp tham gia ký kết đợt này đều là các khách sạn, resort 4–5 sao: Naman Retreat, Sheraton Danang Resort, Sân gôn Vinacapital Đà Nẵng, Khách sạn Mường Thanh Grand Đà Nẵng, Nhà khách Quốc hội Nalod Đà Nẵng, Khách sạn Belle Maison Parosand Đà Nẵng, Khách sạn Seven sea
Theo văn bản được ký kết, bên cạnh việc tiếp nhận sinh viên thực tập 1 học kỳ tại mỗi đơn vị mỗi năm, đảm bảo lộ trình đào tạo gồm 3 học kỳ thực tập nghề nghiệp toàn khóa cho 100% SV Du lịch ĐH Đông Á tại các khách sạn, resort 4-5 sao, các trưởng bộ phận tại các đơn vị này cũng trực tiếp tham gia giảng dạy xuyên suốt các học phần thực hành cho SV ngay tại trường và hướng dẫn nghiệp vụ tại doanh nghiệp. Đồng thời mỗi năm phía doanh nghiệp đều sẵn sàng dành ưu tiên tuyển dụng sinh viên đã có học kỳ đi làm tại đơn vị vào làm việc chính thức với số lượng từ 30-50 sinh viên/năm/1 đơn vị, từ 2017.
Với thị trường nhân lực Du lịch sôi động nhưng không kém phần khắt khe ngoài nước, sinh viên Du lịch ĐH Đông Á cũng đang sở hữu cơ hội thực tập nghề nghiệp và làm việc tại các Tập đoàn lớn như Empire (Singapore), Route-Inn (sở hữu hệ thống 300 khách sạn, sân golf do tập đoàn này đang đầu tư tại Nhật Bản và Việt Nam), Zensho (sở hữu hệ thống 4.812 nhà hàng Sukiya khắp thế giới (mới phát triển 2 nhà hàng tại Việt Nam) với số lượng nhân viên lên đến hơn 56.000 người) - Nhật Bản,… với nhu cầu nhân lực được “đặt hàng” lên đến 600 sinh viên/năm, từ năm 2017 và dễ dàng di chuyển làm việc trong khối ASEAN. Ngay tại Việt Nam, cơ hội này dành cho sinh viên Du lịch là 1.100 vị trí thực tập nghề nghiệp và 800 vị trí tuyển dụng mỗi năm tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 4-5 sao.
Giới thiệu đội ngũ giảng huấn gồm các trưởng bộ phận tại doanh nghiệp và các chuyên gia học viện du lịch thuộc chương trình đào tạo Du lịch tại Đại học Đông Á
Năm 2017, tỉ lệ sinh viên Du lịch ĐH Đông Á được doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau khi kết thúc chương trình thực tập nghề nghiệp của năm 2, năm 3 và năm 4 tại đơn vị đạt trên 70% (tăng 23% so với năm 2016). Võ Chiến Hữu – sinh viên năm thứ 4 đang thực tập hưởng lương tại Intercontinental Pattaya Thái Lan, Huỳnh Trọng Thanh – sinh viên năm 3 đã bắt đầu thời gian làm việc tại Intercontinental Việt Nam sau kỳ thực tập, Phạm Thu Nghiêm – sinh viên năm 3 cũng đang làm việc chính thức tại Resort Phú Quốc 2,… chỉ là vài trong số hàng trăm kết quả mà sinh viên Du lịch đã và đang được thụ hưởng từ chương trình đào tạo thực hành được thiết kế theo khung tham chiếu của VTOS (Liên minh EU phối hợp với tổng cục Du lịch Việt Nam), Chương trình chuẩn Australia (William Angliss) và Chương trình chuẩn ASEAN (Aseantourism).
TS. Trần Thị Mai - Chuyên viên cao cấp ngành Du lịch
Giới thiệu chương trình đào tạo Du lịch tại ĐH Đông Á, TS. Trần Thị Mai - Chuyên viên cao cấp ngành Du lịch đã nhận định về những điểm nhấn làm nên sự khác biệt của ngành. Theo đó, định hướng thực hành được thể hiện rõ nét trong chương trình đào tạo Du lịch tại ĐH Đông Á với 30% lý thuyết - 70% thực hành. Mỗi sinh viên được trải nghiệm chương trình học gồm 4 bước, từ những giờ lý thuyết sinh động tại giảng đường đến thực hành nghiệp vụ tại hệ thống phòng thực hành chuyên dụng, tiếp đó là thực hành tại khách sạn dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các trưởng bộ phận và khép lại khóa học bằng học kỳ thực tập nghề nghiệp tại các resort, khách sạn, đơn vị du lịch,… Cùng với kỹ năng chuyên môn được rèn luyện thường xuyên là cơ hội phát triển ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật,…) thông qua hàng loạt chương trình giao lưu sinh viên quốc tế và những buổi thực hành Anh ngữ chuyên ngành thường xuyên.
Ông Quentin Derrick - Trưởng đại diện Học viện du lịch William Angliss tại Việt Nam
Theo ông Quentin Derrick - Trưởng đại diện Học viện du lịch William Angliss tại Việt Nam, chương trình hợp tác giữa Đại học Đông Á và Học viện quốc tế William Angliss về đào tạo tiếng Anh và kỹ năng nhà hàng–khách sạn là chương trình đào tạo đầu tiên thuộc lĩnh vực nhà hàng-khách sạn mà chính phủ Úc tài trợ tại Việt Nam, với số vốn tài trợ ban đầu lên đến 250.000 đô Úc. Chương trình nhằm mục tiêu trang bị cho người học kỹ năng nhà hàng, khách sạn và Anh ngữ đạt chuấn quốc tế, qua đó giúp họ nắm bắt được những cơ hội mà tiến trình hội nhập mang lại, đặc biệt là cơ hội việc làm tại thị trường Úc và 10 nước ASEAN. Chương trình cũng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành Du lịch khu vực miền Trung Việt Nam về nguồn nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và nhà hàng - khách sạn.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, thống kê từ Sở Du lịch thành phố, tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng 3 tháng đầu năm 2017 đạt 1,327 triệu lượt, tăng 29,4%. Trong đó khách quốc tế 596 nghìn lượt (tăng 58,4%), khách nội địa 731 nghìn lượt (tăng 12,6%), tổng thu du lịch đạt 3.901,832 tỷ đồng (tăng 31,2%). Du lịch tàu biển có nhiều khởi sắc, chiếm tỉ trọng lớn và là nguồn khách quan trọng của du lịch Đà Nẵng. Cũng theo Sở Du lịch, tính đến tháng 3/2017, Đà Nẵng đã đón 42 chuyến tàu du lịch cập cảng Tiên Sa, với tổng lượng khách ước đạt 50.000 lượt khách, tăng 25,94%. Đà Nẵng đang là điểm đến cho khách du lịch có mục đích đa dạng như nghỉ dưỡng, MICE… Đà Nẵng đạt danh hiệu “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” trao bởi tổ chức World Travel Awards.
Ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng
Năm 2017, Đà Nẵng tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc tế: Lễ hội pháo hoa quốc tế (30/4-24/6); Đại hội Du lịch Golf châu Á; Cuộc thi IRon Man 70.3; Lễ hội Diều sắc màu Đà Nẵng; Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng diễn ra vào tháng 8… Đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tháng 11/2017 - là “cơ hội kim cương” của Đà Nẵng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và dịch vụ đến thế giới, hứa hẹn thu hút một lượng lớn du khách quốc tế và có những tác động tích cực đến thị trường dịch vụ du lịch, bất động sản của Đà Nẵng. Theo đó, ước tính khoảng 13.500 lao động ngành khách sạn sẽ phục vụ cho các nhà lãnh đạo, chính khách, doanh nghiệp... của 21 nền kinh tế thành viên tham gia sự kiện này.
Ông Vinh cũng đề xuất mô hình hợp tác 4 bên trong việc xây dựng mạng lưới đào tạo và phát triển chất lượng nhân lực du lịch gồm: Hiệp hội du lịch – Cơ sở đào tạo Du lịch – Doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch – Ngân hàng chính sách/Thương mại.